• Trang chủ
  • Tin tức
  • Tây Ninh, vùng đất cuốn hút từ vẻ đẹp bình dị giữa đời thường

Tây Ninh, vùng đất cuốn hút từ vẻ đẹp bình dị giữa đời thường

18/03/2019
Chỉ một lần đến Tây Ninh, vô tình chạm vào ánh mắt trong veo của cô bé người Chăm, bạn hẳn sẽ trót lỡ yêu mảnh đất này mà không nỡ cất bước rời đi.

NƠI TẠO HÓA BAN TẶNG BỨC TRANH THIÊN NHIÊN ĐẸP SAY LÒNG
Cách TP.HCM khoảng 100 km, tỉnh Tây Ninh là một trong những vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía nam. Đến đây, bạn sẽ ngỡ ngàng trước khung cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên. Những cánh đồng trải dài ngút tầm mắt, thẳng cánh cò bay với bạt ngàn lúa xanh rì rào trong gió, thấp thoáng ẩn hiện bóng dáng hàng cây thốt nốt giữa không gian mênh mông, yên bình. Khoảnh khắc huy hoàng của hồ Dầu Tiếng khi bình minh, lúc xế chiều; ao hoa súng, hoa sen vào mùa đưa hương ngào ngạt; rừng cao su thay lá, bao phủ một màu vàng; núi Bà Đen hùng vĩ khiến bạn tựa cảm giác như đang đứng trước khung cảnh Phú Sĩ nổi tiếng ở Nhật Bản... là những gì mê hoặc du khách của nơi đây.

VẺ ĐẸP CỦA CON NGƯỜI TÂY NINH TOÁT LÊN TỪ CUỘC SỐNG BÌNH DỊ
Ngoài khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, giữa vùng quê bình yên, cuộc sống của người dân nơi đây cũng là điều gợi cho du khách nhiều ấn tượng khó quên. Trên quê hương của mình, người Tây Ninh bao đời nay vẫn gắn bó, tảo tần làm giàu bằng chính công việc truyền thống từ xa xưa như làm hương, gốm, đan nón... Những đứa trẻ ở ấp Tà Dơ rong ruổi, nô đùa khắp đồng cỏ. Dù cuộc sống khó khăn, khuôn mặt của chúng vẫn toát nên nét hồn nhiên, vô tư.

LÀNG HƯƠNG
Công đoạn phơi nhang (hay hương) ở một làng nghề truyền thống làm nhang lâu đời ở Tây Ninh. Từ bao đời nay, nén nhang thơm đã trở thành vật quen thuộc trong tín ngưỡng thờ cúng của người dân Việt Nam. Nén nhang thắp lên bàn thờ Phật, thờ ông bà tổ tiên ngay khi đi xa về hoặc khi sắp xuất hành, hay khi gặp niềm vui, nỗi buồn cũng được thắp lên trên bàn thờ, trong chùa để cầu may mắn trong cuộc sống và bình an trong tâm hồn.

NGHỀ LÀM BÁNH TRÁNG PHƠI SƯƠNG TRĂM TUỔI Ở TÂY NINH
Bánh tráng phơi sương mang hương vị riêng của đồng quê Nam Bộ. Kỹ thuật tráng bánh 2 lớp, ngày “tắm” nắng, đêm phơi sương, nướng than hoa được truyền từ đời này qua đời khác. Năm 2016, làng nghề bánh tráng phơi sương huyện Trảng Bàng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

HÌNH ẢNH BÌNH DỊ CÔ BÉ NGƯỜI CHĂM
Cô bé người Chăm nhìn vị khách xa lạ bằng đôi mắt trong veo, cuốn hút. Tất cả như níu chân du khách, khiến ai đã từng đến đây đều lưu luyến, nhớ mãi, phải hứa hẹn một lần quay trở lại.
Bài viết cùng danh mục